Trong 35 năm qua, tỷ lệ béo phì đã tăng gấp ba lần và ước tính sẽ ảnh hưởng đến hơn một tỷ người trên toàn thế giới vào năm 2030, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch, các bệnh chuyển hóa và một số bệnh ung thư [11].
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì, trong đó lối sống là yếu tố nguy cơ rất lớn. Đó là khi năng lượng ăn vào nhiều hơn năng lượng tiêu hao dẫn đến tích trữ dưới dạng mỡ gây nên béo phì. Vì vậy, về cơ chế hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng béo phì khi giảm năng lượng ăn vào và tăng cường vận động để tiêu hao năng lượng.
1. Tìm hiểu về thừa cân/ béo phì
1.1. Nguyên nhân gây béo phì
1.1.1. Nguyên nhân về dinh dưỡng
Nguyên nhân dinh dưỡng của béo phì rất đa dạng, chủ yếu là do:
– Tăng quá mức lượng năng lượng nạp vào.
– Chế độ ăn giàu chất béo.
– Đối với trẻ em, nguy cơ béo phì ở trẻ em gia tăng khi tiêu thụ quá nhiều chất ngọt. Việc nuôi con bằng sữa mẹ ít hơn 3 tháng cũng dẫn đến tăng khả năng mắc béo phì trong giai đoạn trẻ đến trường.
1.1.2. Nguyên nhân di truyền
Tế bào mỡ dễ dàng phân chia theo một trong hai cách:
– Quá sản: Vừa tăng thể tích, vừa tăng số lượng tế bào mỡ (tăng gấp 3 – 4 lần), xảy ra ở trẻ em hoặc tuổi dậy thì, khó điều trị.
– Phì đại: Tế bào mỡ to ra do gia tăng sự tích tụ mỡ nhưng không tăng số lượng hay gặp ở người lớn, dễ điều trị hơn.
1.1.3. Nguyên nhân nội tiết
Béo phì có liên quan đến các chuyển hóa nội tiết, bao gồm:
– Tổn thương hạ đồi do chấn thương, bệnh lý ác tính, viêm nhiễm, suy sinh dục, giảm gonadotropin
– Hội chứng béo phì – sinh dục
– Suy giáp
– Cường thượng thận
– U tụy tiết insulin
– Hội chứng buồng trứng đa nang
1.1.4. Nguyên nhân mô bệnh học
– Tăng sản quá mức số lượng tế bào mỡ mà kích thước tế bào mỡ có thể bình thường.
– Phì đại tế bào mỡ mà số lượng tế bào mỡ không tăng hoặc chỉ tăng khi các tế bào mỡ phì to hết cỡ.
1.1.5. Nguyên nhân do sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có khả năng gây tăng cân, có thể kể đến:
– Hormone steroid
– Kháng trầm cảm cổ điển (3 vòng, 4 vòng, IMAO)
– Benzodiazepine
– Lithium
– Thuốc chống loạn thần
1.1.6. Nguyên nhân khác
– Lối sống tĩnh tại, lười hoạt động thể lực.
– Bỏ hút thuốc lá. Nguyên nhân là do phần não thèm chất nicotine và cần nhiên liệu thay thế khi chất đó bị đào thải, dẫn tới cảm giác thèm ăn.
– Hút thuốc khi mang thai: Mẹ hút thuốc khi mang thai sẽ dẫn đến nguy cơ con bị gia tăng trọng lượng đáng kể về sau này.
Tuy nhiên, bệnh nhân béo phì có thể do có nhiều nguyên nhân phối hợp.
1.2. Cách xác định béo phì
1.2.1. Chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index)
Đây là chỉ số chủ yếu được dùng để đánh giá béo phì, được tính theo công thức:
BMI = cân nặng(kg)/chiều cao(m)2 x 100
Bảng 1. Đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì theo tiêu chuẩn của WHO áp dụng cho người Châu Á
1.2.2. Vòng bụng
Được đo ngang qua đường giữa bờ trên xương chậu và bờ dưới xương sườn cuối cùng. Sai số không quá 0,1 cm.
Xác định béo phì dạng nam (béo phì phần trên cơ thể, béo phì kiểu bụng, béo phì hình quả táo, béo phì trung tâm) khi vòng bụng ≥ 90cm ở nam và ≥ 80cm ở nữ. (Theo Bộ Y tế và Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam).
1.2.3. Phương pháp nhân trắc học
+ Đo nếp da vùng cơ tam đầu cánh tay (còn được gọi là cơ tay sau, vị trí nằm tại mặt sau của cánh tay và đảm nhiệm chức năng chính là co duỗi tay) bằng dụng cụ đặc biệt
Xác định béo phì khi: Nam > 20mm, Nữ > 25mm.
+ Đo tỉ lệ vòng eo/hông: (lấy số đo lớn nhất chỗ ngang rốn, ngang háng)
Xác định béo phì khi: Nam ≥ 1, Nữ ≥ 0,85.
2. Dinh dưỡng cho người thừa cân/ béo phì
2.1. Mục tiêu của dinh dưỡng trong điều trị béo phì
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì của Bộ Y tế ban hành năm 2022, giảm cân 5-15% trong khoảng thời gian 6 tháng là thực tế và đã được chứng minh mang lại lợi ích cho sức khỏe. Có thể cân nhắc giảm cân nhiều hơn (20% trở lên) đối với những người có mức độ béo phì cao hơn (BMI ≥ 35 kg/m2) [6].
Các chế độ dinh dưỡng trong điều trị Béo phì cần được cá nhân hóa sao cho phù hợp với từng bệnh nhân, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, thói quen, sở thích. Cần điều trị kiên trì, lâu dài, có thể phối hợp nhiều chế độ dinh dưỡng. Quan trọng là cần phải điều trị giảm cân một cách từ từ, bền vững, tránh việc tăng cân trở lại.
Nguyên tắc chính của dinh dưỡng trong điều trị béo phì đó là giảm tổng lượng năng lượng (calo) ăn vào. Chế độ dinh dưỡng cần chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn giảm cân và giai đoạn duy trì. Cần kết hợp thêm vận động và tập thể dục để tăng cường hiệu quả giảm cân.
2.2. Các chế độ dinh dưỡng có thể áp dụng
2.2.1. Chế độ ăn Hạn chế chất béo (Low-fat diet)
Chế độ ăn hạn chế chất béo để giảm cân đã được áp dụng từ những năm 1950. Dựa trên nguyên tắc giảm năng lượng nạp vào cơ thể, chế độ ăn hạn chế chất béo làm giảm cân một cách đáng kể trong thời gian ngắn. Bên cạnh việc giảm cân, một lợi ích đã được chứng minh của chế độ ăn này là phòng ngừa các bệnh tim mạch. Việc giảm lượng chất béo ở mức từ 20-40% tổng lượng calo đã được chứng minh giúp giảm khoảng 15% cholesterol [15].
2.2.2. Chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean diet)
Chế độ ăn Địa Trung Hải là một chế độ ăn giàu thực phẩm có nguồn gốc thực vật, có hàm lượng chất chống oxy hóa cao và chất xơ và tải lượng đường huyết thấp, bao gồm nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, hải sản, dầu ô liu, các loại hạt và ít thịt đỏ.
Chế độ ăn Địa Trung Hải được chứng minh là có hiệu quả giảm cân trong thời gian ngắn cũng như dài hạn [16]. Một nghiên cứu đã cho thấy Chế độ ăn Địa Trung Hải giúp giảm cân nhiều hơn so với chế độ ăn ít chất béo khi áp dụng hơn 12 tháng. Bên cạnh đó, chế độ ăn này với tải lượng đường huyết thấp giúp cải thiện kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 [79], giảm các marker gây viêm và giảm nguy cơ các bệnh tim mạch [17] [18] [19].
Ngoài ra, Chế độ ăn Địa Trung Hải giúp giảm béo trì trung tâm và giảm mỡ nội tạng. Kết quả của một nghiên cứu được thực hiện trong 18 tháng cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải xanh (Green Mediterranean diet), một chế độ ăn tăng lượng rau, trái cây, trà xanh và các loại hạt (đặc biệt là quả óc chó) và giảm tiêu thụ thịt đỏ, giúp giảm gấp đôi lượng mỡ nội tạng khi so sánh với các chế độ ăn lành mạnh thông thường [20].
2.2.3. Chế độ ăn gián đoạn (Intermittent diet)
Chế độ ăn kiêng nhịn ăn gián đoạn được định nghĩa là sự xen kẽ thời gian nhịn ăn và thời gian ăn, đã trở thành một phương pháp rất phổ biến trong vài năm gần đây vì tính hiệu quả của nó trong việc giảm cân trên thực tế.
Có ba hình thức nhịn ăn gián đoạn được nghiên cứu nhiều nhất, bao gồm:
– Nhịn ăn xen kẽ trong ngày: 0–500 kcal trong mỗi “ngày nhịn ăn” xen kẽ với lượng tiêu thụ tùy ý trong “ngày ăn”.
– Chế độ ăn kiêng 5:2: Nhịn ăn hai ngày và ăn bình thường trong năm ngày còn lại mỗi tuần.
– Giới hạn thời gian ăn uống: Chỉ ăn trong khoảng thời gian được quy định hàng ngày.
3. Vận động cho bệnh nhân béo phì
Các hướng dẫn quản lý béo phì hiện tại đều nhấn mạnh tầm quan trọng của khối lượng tập luyện thay vì chỉ tập trung vào cường độ. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ, để giảm được 5% cân nặng cần tập luyện 300 phút bài tập cường độ trung bình mỗi tuần. Cần kết hợp tập luyện và chế độ ăn hạn chế calo để tăng hiệu quả giảm cân, thay vì chỉ tập trung vào 1 trong 2 phương pháp [3].
3.1. Các khuyến cáo về chế độ tập luyện cho bệnh nhân béo phì
Bảng 1: Tổng hợp các khuyến cáo về chế độ tập luyện dành cho bệnh nhân béo phì
*Một số lưu ý:
– Để buổi tập an toàn và hiệu quả, nên thực hiện đủ 3 giai đoạn: Khởi động (5-10 phút), tập luyện, làm nguội (5-10 phút).
– Cần thăm dò tim mạch trước khi bắt đầu chương trình vận động, nhất là với người lớn tuổi, có yếu tố nguy cơ tim mạch.
– Dùng công thức tính nhịp tim khi tập để xác định mức độ phù hợp của cường độ tập luyện: Nhịp tim khi tập = (220 – tuổi) x (từ 50% đến 70%).
Người bệnh cũng có thể tự đánh giá mức độ vận động đã phù hợp hay chưa thông qua giọng nói: Khi tập luyện không thấy hụt hơi, vẫn trò chuyện được nhưng không thể hát được [6].
3.2. Các loại bài tập
Ngày nay, người ta quan tâm nhiều đến ảnh hưởng của mỡ nội tạng đến cơ thể cũng như các phương pháp luyện tập để giảm mỡ nội tạng. Bằng các biện pháp can thiệp lối sống, nếu giảm cân 5% thì sẽ giảm được 15%–25% mỡ nội tạng [10].
Một nghiên cứu được thực hiện trên bệnh nhân béo phì độ tuổi từ 6-24 với có 4 loại bài tập được sử dụng bao gồm: Thể dục nhịp điệu, Tập kháng trở, Thể dục nhịp điệu kết hợp với tập kháng trở, Tập cường độ cao ngắt quãng. Kết quả cho thấy bài tập thể dục nhịp điệu và tập cường độ cao ngắt quãng giúp giảm mỡ nội tạng, trong đó tập cường độ cao ngắt quãng là phương pháp tập luyện có hiệu quả nhất.
Các phân tích đã chứng minh rằng tập cường độ cao ngắt quãng có hiệu quả trong việc giảm khối lượng cơ thể, chỉ số khối cơ thể, vòng eo, tỷ lệ eo/hông, tỷ lệ mỡ cơ thể và mỡ nội tạng vùng bụng. So với bài tập cường độ trung bình liên tục thì bài tập cường độ cao ngắt quãng làm giảm cân nhiều hơn [12].
Theo nghiên cứu về hiệu quả của các bài tập thể dục nhịp điệu ảnh hưởng đến vòng eo của các bệnh nhân thừa cân, béo phì, việc thường xuyên tập thể dục nhịp điệu sẽ làm giảm đáng kể chu vi vòng eo 3,2 cm.
Bảng 2: Các loại bài tập
* Cách tính các chỉ số
VO2max (mức hấp thụ oxy tối đa) = (15 x Nhịp tim tối đa/Nhịp tim khi nghỉ ngơi)
HRmax (Nhịp tim tối đa) = 220 – tuổi
HRR (Nhịp tim dự trữ) = HRmax – 60 đến 100
RM: Mức lặp lại tối đa đối với một trọng lượng nhất định