NHÓM VITAMIN TAN TRONG DẦU
Các vitamin tan trong dầu A,D,E,K, chất béo cần cho quá trình tiêu hoá và hấp thu các vitamin này. Sau khi được hấp thu, vitamin tan trong dầu sẽ được vận chuyển trong máu nhờ lipoprotein. Lượng thừa sẽ được tích trữ ở gan. Do cơ thể có khả năng tích luỹ nhóm vitamin này nên những biểu hiện thiếu vitamin tan trong dầu thường xuất hiện chậm hơn so với nhóm vitamin tan trong nước, tuy nhiên nếu dùng liều cao có thể lại tích luỹ gây ngộ độc.
Vitamin A
Vai trò của vitamin A
Tham gia chức năng cảm nhận thị giác: Đây là chức năng được xác định rõ nhất của vitamin A. Vitamin A, dưới dạng all-trans retinol được phát tán bởi máu đến biểu mô màu võng mạc, ở đó hoặc nó được este hoá để dự trữ, hoặc đồng phân hoá thành 11- sis retinol rồi tiếp tục bị oxi hoá thành 11-cis retinal . 11- cis retinal được chuyển tới tế bào cảm nhận ánh sáng hình que hoặc hình nón.
Duy trì cấu trúc bình thường của da và niêm mạc, biệt hoá tế bào: vitamin A giúp cho quá trình phát triển và tái tạo các tế bào da và niêm mạc, khả năng tiết dịch của các tế bào niêm mạc, Nếu thiếu vitamin A các tế bào sản xuất keratin thay thế các tế bào tiết nhày ở nhiều tổ chức biểu mô của cơ thể, đặc biệt là ở mắt, dẫn tới khô kết mạc, giác mạc. Gần đây vai trò quan trọng của vitamin A mà chủ yếu là dạng retionic acid trong biệt hoá tế bào ở tất cả các mô, các cơ quan của cơ thể cũng đã được biết rõ. Nó được coi như một hormone
Đáp ứng miễn dịch: Miễn dịch không đặc hiệu: bảo vệ sự toàn vẹn của da và niêm mạc, chống sự xâm nhập vào cơ thể của vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh
Tạo máu: Cơ chế vẫn còn chưa rõ, nhưng thường thiều vitamin A có liên quan chặt chẽ với thiếu máu do thiếu sắt, có thể thiếu vitamin A đã gây cản trở hấp thụ, vận chuyển, dự trữ sắt
Tăng trưởng: Retionic acid đóng vai trò như một hormone trong điều chỉnh sự phát triển của các mô trong hệ cơ xương
Sinh sản: Hiện tại cơ chế hoạt động của vitamin A trong sinh sản cũng chỉ là những hiểu biết ban đầu.
Nhu cầu vitamin A
Nhu cầu tăng cao ở PNCCB và người trưởng thành, ký sinh trùng và ở các giai đoạn phục hồi bệnh
Thừa vitamin A thường gặp ở những trường hợp dùng vitamin A liều cao và kéo dài. Biểu hiện thường gặp là đau đầu, buồn nôn, rụng tóc, khô da và niêm mạc đau xương khớp và có thể gây tổn thương gan. Cung cấp vitamin A liều cao cho PNCT còn có khả năng gây quái thai
Nguồn vitamin A trong thực phẩm
Vitamin A trong thực phẩm có nguồn gốc động vật dưới dạng retinol, còn thức ăn có nguồn gốc thực vật ở dưới dạng caroten tiền vitamin A. Retinol có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, phomat….Caroten có nhiều trong ray màu xanh đậm hoặc màu vàng quả có màu vàng như: rau muống, rau ngót, rau cải xanh, rau dền, bí đỏ, cà rốt, xoài…
Vitamin D
Vai trò của vitamin D
Tăng cường quá trình cốt hoá xương: Chất hoạt tính của vitamin D tại các mô là 1,25-dihydroxyvitamin D. Khi điều hoà chuyển hoá calci, nó tương tác với hormone cận giáp và được gọi là hệ nội tiết vitamin D. Tại ruột non, 1,25-dihydroxyvitamin D giúp hấp thu calci và phospho từ khẩu phần ăn. Tại xương 1,25 -dihydroxyvitamin D hoạt động cùng hormine cận giáp để kích thích chuyển hoá calci và phospho, tại thận giúp tăng cường tái hấp thu calci
Cân bằng calci nội môi: 1,25-dihydroxyvitamin D và hormone cận giáp còn có vai trò cân bằng mức calci trong máu, đảm bảo cho hoạt động bình thường của hệ thần kình và cơ
Nhu cầu vitamin D
Do một phần đáng kể vitamin D được tổng hợp ở da, nên nhu cầu khuyến nghị hàng ngày có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, 100IU/ngày có thể đủ để phòng bệnh còi xương và đảm bảo cho xương phát triển bình thường
Tiêu thụ sữa hoặc thức ăn có tăng cường vitamin D thì không cần thiết phải bổ sung thêm. Sữa mẹ có lượng vitamin D thấp, vì vậy những trẻ bú sữa mẹ cần được tắm nắng đều đặn bổ sung vitamin D
Nguồn vitamin D
Trong thực phẩm, vitamin D có trong sữa, dầu gan cá, lòng đỏ trứng, bơ,…Nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất là từ ánh sáng mặt trời, vì ánh sáng mặt trời giúp chuyển hoá tiền vitamin D thành vitamin D3
Vitamin E
Vai trò của vitamin E
Chức năng chống oxy hoá: Vitamin E là một trong những vitamin có khả năng chống oxy hoá. Chính vì vậy, vitamin E có tác dụng chống lão hoá, làm giảm nguy cơ của bệnh tim mạch, và một số bệnh ung thư, bảo vệ hệ thần kinh, hệ cơ – xương và võng mạc mắt tránh được những tác hại bởi phản ứng này.. Vitamin E bảo vệ hồng cầu khỏi bị vỡ nên được dùng để phòng bệnh thiếu máu, tan máu ở trẻ sơ sinh thiếu tháng
Chức năng miễn dịch: Vitamin E cần thiết đối với chức năng miễn dịch bình thường đặc biệt đối với chức năng của tế bào lympho T
Bảo quản thực phẩm: Do đặc tính chống oxy hoá, vitamin E được dùng trong quá trình bảo quản một số thực phẩm dễ bị oxy hoá như dầu ăn, bơ….
Nhu cầu vitamin E
Nhu cầu vitamin E tăng phụ thuộc vào lượng acid béo chưa no có nhiều nối đôi trong khẩu phần và có thể dao động từ 5 – 20mg/ngày. Những đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin E là trẻ sơ sinh thiếu tháng, trẻ có cân nặng sơ sinh thấp hoặc ở những bệnh nhân không có khả năng hấp thu lipid. Nhu cầu vitamin E cũng tăng ở PNCT và PNCCB
Nguồn vitamin E trong thực phẩm
Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật như dầu đậu tương, ngô, hướng dương và bơ thực vật ( magarin). Hạt ngũ cốc và đậu đỗ nảy mầm, rau có màu xanh đâm cũng là nguồn cung cấp vitamin E tốt
Vitamin K
Vai trò của vitamin K
Vitamin K rất cần thiết trong quá trình tổng hợp phức hệ prothronbin cần thiết cho quá trình đông máu
Nhu cầu vitamin K
Nhu cầu vitamin K thay đổi nhiều vì một lượng lớn vitamin K được tổng hợp bởi các vi khuẩn ở ruột già. Trẻ sơ sinh có lượng dự trữ vitamin K thấp, trong khi hàm lượng vitamin K trong sữa mẹ không cao, lượng vitamin K sản sinh trong ruột chưa đầy đủ nên trẻ ở độ tuổi này rất dễ bị thiếu vitamin K gây nên xuất huyết não- màng não. Để đề phòng bệnh lý này nên sử dụng một liều vitamin K tổng hợp cho trẻ ngay sau đẻ. Người bệnh không có khả năng hấp thu lipid cũng như những người sử dụng kháng sinh đường uống cũng có nguy cơ thiếu vitamin K
Nguồn vitamin K
Phần lớn các đối tượng đều được đáp ứng các nhu cầu về vitamin k khi chế độ ăn có nhiều rau xnah và có hệ thống tiêu hoá bình thường. Do vậy, không cần thiết phải bổ sung vitamin K. Hàm lượng vitamin K cao nhất ở các loại rau có lá xanh, có ít hơn ở hoa quả, ngũ cốc, hạt quả, trứng, một số loại thịt