1.Béo phì
Béo phì là vấn đề dinh dưỡng phổ biến nhất ở các nước đã phát triển. Béo phì làm tăng các rủi ro về bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp. Béo phì ở trẻ em làm tăng nguy cơ béo phì khi đã trưởng thành và các nguy cơ bệnh tật khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì bao gồm yếu tố di truyền, rèn luyện thể lực, chế độ ăn và bệnh tật. Tuy nhiên chế độ ăn và thiếu vận động là quan trọng hơn cả.
2. Đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính có hai thể, đái tháo đường type I phụ thuộc Insulin đòi hỏi xử trí bằng Insulin và đái tháo đường type II thường xảy ra khi người bệnh đã lớn tuổi và có thể xử trí bằng chế độ ăn và lối sống. Các thành tố chính của kiểm soát chế độ ăn bao gồm giảm cân nặng, giảm các acid béo no, giảm đường và cholesterol.
3. Bệnh tim mạch
Hàm lượng cholesterol cao trong huyết thanh có liên quan đáng kể tới sự phát triển bệnh tim mạch, đặc biệt là lượng LDL-cholesterol. Một chế độ ăn có nhiều thịt béo, nước dùng, nước xốt, đồ rán, đồ ngọt, chế phẩm sữa toàn phần, bơ, mỡ và các thức ăn mặn là một trong các nguyên nhân chính làm tặng LDL – cholesterol huyết thanh. Chế độ ăn hợp lý cùng với hoạt động thể lực là tăng HDL- cholesterol
4. Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ độc lập đối với bệnh tim mạch, thúc đẩy sự tạo thành các mãng vữa, kích thích sự hình thành các cục máu đông, gây nên các tổn thương ở tim và thận. Chế độ ăn hợp lý góp phần kiểm soát tăng huyết áp. Ăn quá thừa protein có thể gây tăng nguy cơ tăng huyết áp và thúc đẩy tiến triển các bệnh về mạch máu đặc biệt ở thận. Uống quá nhiều rượu, ăn nhiều muối và thiếu kali cũng góp phần làm tăng huyết áp.
5. Loãng xương
Loãng xương là tình trạng khối xương bị giảm dẫn tới gãy xương, sang chấn nhẹ. Chế độ ăn đủ calci và flour tham gia vào quá trình duy trì độ cốt hoá của xương cùng với tác dụng của vitamin D trong thức ăn hay tác dụng của ánh nắng mặt trời.
6. Một số bệnh ung thư như ung thư dạ daỳ, ung thư đại tràng, ung thư vú
Với hiểu biết hiện nay, một số chế độ thích hợp, rèn luyện thể lực và có thể trọng vừa phải có thể phòng ngừa tới 30 đến 40% các trường hợp mắc ung thư. Người ta đã ước tính các chế độ ăn đủ rau quả và đa dạng nguồn thực phẩm có thể đề phòng đến 20% nguy cơ gây ung thư.