1. Calo trong chuối là bao nhiêu?
Hàm lượng calo trong mỗi quả chuối tùy thuộc vào kích thước của nó. Khi khảo sát chúng trên hầu hết các loại chuối thì, trung bình mỗi quả chuối bạn có khoảng 100 calo, hoặc có thể phân biệt kích thước quả chuối cụ thể như sau:
- Rất nhỏ (khoảng 81gr, dưới 15.24cm): 72 calo
- Nhỏ (khoảng 101gr, từ 15.24 – 17.78cm): 90 calo
- Trung bình (khoảng 118gr, từ 17.78 – 20.32cm): 105 calo
- Lớn (khoảng 136gr, từ 20.32 – 22.86cm): 121 calo
- Rất lớn (khoảng 152gr, từ 22.86 trở lên): 135 calo
- Cắt lát (mỗi cốc 150gr): 134 calo
- Nghiền (mỗi cốc 225gr): 200 calo
Ngoài ra, hàm lượng calo còn phụ thuộc vào độ chín của quả chuối, trong đó quả chuối chín thường chứa trên 100 calo, cao hơn so với quả chuối sống nhờ chứa nhiều lượng đường.
Trong khi chuối sống – vốn là loại chuối thường được luộc hoặc nấu chín, thì lại chứa nhiều tinh bột và kháng tinh bột, nên có hàm lượng dưới 100 calo.
Lưu ý: Đối với chuối sống để luộc có thể chọn loại chuối xanh (còn sống) như chuối cau, chuối sáp, chuối tiêu, chuối xiêm và chuối già hương. Hoặc chuối vàng (đã chín) như chuối sứ và chuối sáp.
2. Ăn chuối có béo không?
Chuối được xếp trong danh sách thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp nhưng 90% lượng calo mà chuối mang lại đều là do hàm lượng carbs vốn có của nó quyết định, nhất là khi chuối chín.
Đối với chuối sống, hàm lượng kháng tinh bột có khả năng làm chậm quá trình tiêu hóa diễn ra ở ruột non, kết hợp với chất xơ nên khi ăn chuối giúp cơ thể cảm thấy no lâu hơn.
Không những thế, thành phần kháng tinh bột này còn có thể ức chế quá trình lên men tinh bột (có trong chuối) để tạo thành một loại hợp chất, giúp đốt cháy mỡ hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy: nếu tiêu thụ nhiều và nhất là những quả chuối chín, thì bạn vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị tăng cân ngoài ý muốn vì cơ thể lúc này bị dư quá nhiều calo.
Thậm chí, hàm lượng đường trong chuối còn ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết trong cơ thể, đây cũng chính là lý do vì sao bệnh béo phì thường hay gắn liền với bệnh tiểu đường hoặc nguy cơ làm tăng hàm lượng đường trong máu.
Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng tăng cân khi ăn chuối, bạn nên hoạt động thể dục và vận động nhiều để cơ thể đốt cháy những calo dư thừa sau khi ăn chuối, nhờ đó duy trì được cân nặng lý tưởng hơn nhé.
3. Ăn chuối thế nào là đúng?
Chuối là một loại trái cây bổ dưỡng cho sức khỏe, nhưng việc ăn chuối đúng cách sẽ giúp bạn khai thác được nhiều lợi ích từ quả chuối. Chẳng hạn:
- Kết hợp chuối trong khẩu phần ăn để cân bằng hàm lượng calo hấp thụ trong mỗi bữa ăn.
- Hạn chế ăn chuối vào buổi sáng, vì hợp chất serotonin trong quả chuối chín có thể gây cảm giác buồn ngủ, ảnh hưởng đến công việc hoặc học tập.
- Tránh ăn chuối khi cơ thể đang đói, vì có thể ảnh hưởng đến tim mạch hoặc gây chướng bụng.
- Tránh ăn chuối quá chín vì sẽ xuất hiện nhiều hợp chất có hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, thời điểm ăn chuối cũng khá quan trọng như ăn chuối trước bữa ăn 15 phút và khoảng 30 – 60 phút trước khi tập thể dục, sẽ giúp cơ thể duy trì cân nặng cũng như bổ sung các dưỡng chất thiết cho hoạt động cơ thể.