Thiếu dinh dưỡng là một dạng của suy dinh dưỡng. (Suy dinh dưỡng cũng bao gồm thừa dinh dưỡng.) Suy dinh dưỡng có thể do ăn không đủ chất dinh dưỡng, kém hấp thu, chuyển hóa kém, mất các chất dinh dưỡng do tiêu chảy hoặc tăng nhu cầu dinh dưỡng (xảy ra trong giai đoạn tăng trưởng nhanh và tăng nhu cầu dinh dưỡng hoặc trong các rối loạn [ví dụ: ung thư, nhiễm trùng]). Suy dinh dưỡng mạn tính xảy ra khi có thiếu hụt lâu dài lượng calo đưa vào cơ thể và chất dinh dưỡng thiết yếu không đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của một người. Suy dinh dưỡng tiến triển theo giai đoạn; có thể phát triển chậm khi do chán ăn hoặc rất nhanh, như khi suy mòn nhanh chóng liên quan đến ung thư. Trước tiên, mức dinh dưỡng thay đổi trong máu và trong mô, tiếp theo là thay đổi nội bào về các chức năng và cấu trúc sinh hóa. Cuối cùng, các triệu chứng và dấu hiệu xuất hiện. Chẩn đoán dựa vào bệnh sử, khám thực thể, phân tích thành phần cơ thể và đôi khi là xét nghiệm trong phòng thí nghiệm (ví dụ: albumin).
Số người suy dinh dưỡng trên thế giới ngày càng tăng kể từ năm 2014. Trong Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới 2023, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (Food and Agriculture Organization, FAO) của Liên hợp quốc báo cáo rằng gần 735 triệu người, tương đương 9,2% dân số toàn cầu, bị thiếu dinh dưỡng vào năm 2023, tức là thêm 122 triệu người nữa so với năm 2019, trước đại dịch. Hầu hết sống ở các quốc gia có tỷ lệ mất an ninh lương thực cao. Tỷ lệ hiện mắc của suy dinh dưỡng ở Châu Phi đã tăng từ 19,4% trong năm 2021 lên 19,7% trong năm 2022. Ngược lại, ở châu Á, tỷ lệ hiện mắc suy dinh dưỡng giảm từ 8,8% trong năm 2021 xuống 8,5% trong năm 2022, giảm hơn 12 triệu người. Tuy nhiên, những con số này cao hơn 58 triệu so với mức trước đại dịch. Dự đoán có gần 600 triệu người sẽ bị suy dinh dưỡng mạn tính vào năm 2030. Ước tính này nhiều hơn 23 triệu so với con số lẽ ra nếu chiến tranh ở Ukraine không xảy ra và nhiều hơn 119 triệu so với con số nếu cả đại dịch lẫn chiến tranh ở Ukraine không xảy ra.
Các yếu tố nguy cơ suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là do các yếu tố xã hội, văn hóa và chính trị gây ra. Nghèo đói vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình và cao. Chiến tranh, tình trạng bất ổn dân sự, dân số quá đông, điều kiện nhà ở không an toàn, bệnh truyền nhiễm, đại dịch và đô thị hóa đều có thể góp phần gây ra tình trạng suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng là mối quan tâm đặc biệt ở một số thời điểm nhất định (tức là trong thời kỳ sơ sinh, giai đoạn đầu của thời thơ ấu, thanh thiếu niên, mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ và tuổi già) vì những tình trạng này liên quan đến sự tăng trưởng nhanh chóng và/hoặc tăng nhu cầu về chất dinh dưỡng.
Trẻ sơ sinh và tuổi thơ ấu
Trẻ sơ sinh và trẻ em đặc biệt dễ bị Suy dinh dưỡng bởi vì do nhu cầu cao về năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, WHO), năm 2020, ước tính có 149 triệu trẻ em > 5 tuổi bị thấp còi (quá thấp so với tuổi) và 45 triệu trẻ em bị gầy còm (quá gầy so với chiều cao [1]). Tỷ suất tử vong ở trẻ < 5 tuổi là xác suất một trẻ sơ sinh chết trước khi được 5 tuổi và được biểu thị bằng số ca tử vong/1000 ca sinh sống. Trên toàn thế giới, tỷ lệ này giảm 59%: từ 93/1000 ca tử vong/ca sinh sống trong năm 1990 xuống 38% vào năm 2021 (2). Bất chấp những tiến bộ này, việc làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em < 5 tuổi vẫn là mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng.
Bởi vì vitamin K không dễ dàng vượt qua nhau thai nên trẻ sơ sinh có thể bị thiếu hụt, do đó chúng được tiêm 1 liều vitamin K trong vòng 1 giờ sau sinh để phòng ngừa bệnh xuất huyết của trẻ sơ sinh, một rối loạn đe dọa tính mạng. Trẻ sơ sinh chỉ bú sữa mẹ (sữa mẹ thường có ít vitamin D) được bổ sung vitamin D; trẻ có thể bị thiếu vitamin B12 nếu người mẹ ăn chay.
Trẻ sơ sinh và trẻ em không được ăn uống đầy đủ có nguy cơ thiếu dinh dưỡng protein-năng lượng (PEU, trước đây gọi là suy dinh dưỡng protein-năng lượng) và thiếu sắt, folate (axit folic), vitamin A và C, đồng và kẽm.
Trong giai đoạn thanh thiếu niên, nhu cầu dinh dưỡng tăng bởi vì tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Chứng chán ăn tâm thần có thể ảnh hưởng đến các trẻ gái vị thành niên nói riêng.
Giai đoạn mang thai và cho con bú
Nhu cầu về chất dinh dưỡng tăng lên trong thời kỳ mang thai (để hỗ trợ nhu cầu trao đổi chất trong thai kỳ và sự phát triển của thai nhi) và nuôi con bằng sữa mẹ. Sai lệch về chế độ ăn uống, bao gồm cả dị thực (tiêu thụ các chất không dinh dưỡng, chẳng hạn như đất sét và than củi), có thể xảy ra trong thai kỳ. Thiếu máu do thiếu sắt là phổ biến, cũng như thiếu máu do thiếu folate, đặc biệt là trong số phụ nữ đã dùng thuốc tránh thai đường uống. Thiếu vitamin D là phổ biến trong thời gian cuối thai kì, dẫn đến trẻ giảm khối xương. Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ lâm sàng có thể cần khuyến nghị kế hoạch ăn uống hoặc bổ sung chế độ ăn uống, đặc biệt là nếu tình trạng dinh dưỡng bị ảnh hưởng.
Tuổi già
Người cao tuổi có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng vì nhu cầu dinh dưỡng của họ tăng nhưng nhu cầu năng lượng giảm. Sự chênh lệch này đòi hỏi phải tiêu thụ thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.
Lão hóa – thậm chí khi không có bệnh hoặc khi chế độ ăn vẫn đầy đủ – dẫn tới thiểu cơ (mất khối lượng nạc cơ thể), bắt đầu sau tuổi 40 và khối lượng cơ mất có thể đến khoảng 10kg (22 lb) ở nam giới và 5kg (11 lb) ở phụ nữ. Suy dinh dưỡng góp phần gây thiểu cơ, và thiểu cơ đóng góp cho nhiều biến chứng của suy dinh dưỡng (ví dụ, giảm cân bằng nitơ, tăng nhạy cảm với nhiễm trùng).