Theo Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) thì tăng huyết áp được quy ước như sau:
Huyết áp tâm thu (HA tối đa ): >/ 140mmHg
Huyết áp tâm trương( HA tối thiểu): >/ 90mmHg
Người trưởng thành khoẻ mạnh thường có huyết áp ở mức 120/80 mmHg
Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam: tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành có chiều hướng gia tăng theo thời gian và tăng nhanh trong những năm gần đây:
Năm 1960: 1% dân số trưởng thành ở miền Bắc
Năm 1976: 1,9% dân số trưởng thành ở miền Bắc
Năm 1992: 11,7% đối với cả nước
Năm 1999: 16,05% tại nội thành Hà Nội
Năm 2001: 23,06% tại nội thành Hà Nội và 14,9% tại đồng bằng Sông Cửu Long
Vai trò của dinh dưỡng trong tăng huyết áp:
Mối liên quan giữa natri, kali, canxi và magie với tăng huyết áp:
Ở các quần thể lớn có tập quán ăn mặn thì tỷ lệ người bị tăng huyết áp cao hơn hẳn so với các quần thể có tập quán ăn nhạt hơn.
Ví dụ: người dân Eskimo và vài bộ lạc ở châu Phi ăn rất ít muối thì hầu như không có người bị tăng huyết áp
Gần đây một số kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cho thấy, chế độ ăn ít natri, giàu kali có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt
Sự thiếu hụt kali hay calci trong thức ăn thường kết hợp với tăng huyết áp
Những nghiên cứu cắt ngang và theo dõi theo chiều dọc đều cho thấy vai trò của chế độ ăn giàu magie có liên quan với hạ thấp huyết áp động mạch
Vai trò của chất béo trong khẩu phần ăn với tăng huyết áp:
Nhiều nghiên cứu ở châu Âu cho thấy, có mối liên quan dương tính giữa acid béo no và huyết áp. Trong thử nghiệm lâm sàng cho thấy khi giảm tổng số chất béo từ 38-40% năng lượng khẩu phần xuống 20-25% hoặc tăng tỷ số giữa acid béo không no và acid béo no từ 0,2 lên 1 cho thấy huyết áp giảm rõ ràng
Rượu và tăng huyết áp:
Nghiên cứu quan sát cho thấy: Những người đàn ông uống rượu trên 2-5 lần/ ngày và phụ nữ uống rượu trên 2-3 lần/ ngày có nguy cơ bị tăng huyết áp, nhưng uống rượu dưới mức này thì không thấy nguy cơ bị tăng huyết áp
Béo phì và tăng huyết áp:
Nhiều nghiên cứu hiện nay đã khắng định rằng: có một mối tương quan rõ rệt giữa chỉ số khối cơ thể ( BMI ) và huyết áp. Cơ chế tăng huyết áp do béo phì có thể là: tăng thể tích tuần hoàn, tăng cung lượng tim, cường hoạt động của hệ giao cảm và tăng sức cản của mạch ngoại vi
Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn điều trị tăng huyết áp:
Khẩu phần ăn ít natri, giàu kali, calci và magie:
Hạn chế các loại muối có chứa natri ( natri clorua, natri glutamat) ở mức < 6g/ ngày. Nếu bệnh nhân có triệu chứng phù hoặc suy tim cho ăn ít hơn ( 2-4g/ ngày)
Sử dụng nhiều rau và hoa quả để có nhiều kali, trừ khi thiểu niệu
Bỏ thức ăn muối mặn như cà, dưa muối, mắm tôm, mắm tép, thức ăn đóng hộp…
Hạn chế các thức ăn có tác dụng kích thích thần kinh và tâm thần:
Bỏ rượu, cà phê, nước chè đặc
Tăng sử dụng các thức ăn, thức uống, có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu như canh lá vông, hạt sen, ngó sen, chè sen vông
Phân bố tỷ lệ các chất dinh dưỡng hợp lý:
Protein: giữ mức 0,8 – 1,0g/kg thể trọng / ngày. Chú ý dùng nhiều protein thực vật như đậu, đỗ. Nếu kèm suy thận, giảm nhiều hơn ( 0,4 – 0,6g/kg cân nặng / ngày )
Năng lượng: 25-35kcal/ kg cân nặng / ngày. Người béo phì ( BMI trên 25 ) cho ít hơn để giảm cân, vì giảm cân là một yếu tố hạ huyết áp rất có hiệu quả. Nguồn năng lượng tốt nhất là chất bột từ các hạt ngũ cốc và khoai củ
Lipid: Nên cung cấp 15-20% năng lượng. Ăn ít mỡ, bơ, nên dùng dầu từ cá, đậu tương, lạc và vừng là tốt nhất. Bỏ thức ăn nhiều cholesterol như óc, lòng, tim, gan, phủ tạng, hạn chế ăn trứng ( 1-2 quả / tuần )
Đường: Nên ở mức dưới 20g/ ngày. Hạn chế dùng đường, mật, bánh, mứt, kẹo.
Chất khoáng và vitamin: Nên cung cấp đủ yếu tố khoáng và vitamin đặc biệt là vitamin C, E, A có nhiều trong rau, quả, giá, đậu, đỗ và các vitamin nhóm B như B12, B6, acid folic
Thức uống: Nước chè xanh, chè sen vông, chè hoa hoè, nước ngô luộc, nước rau luộc là thích hợp nhất, có tác dụng lợi tiểu, an thần, hạ huyết áp