1. Khả năng sinh sản ở phụ nữ thay đổi tùy theo từng độ tuổi khác nhau
Số lượng trứng ở nữ giới có giới hạn, ở độ tuổi càng lớn thì số lượng trứng càng giảm. Chất lượng trứng cũng sẽ giảm đến một độ tuổi nhất định, tăng nguy cơ nhiễm sắc thể bất thường và dị bội. Tương tự ở nam giới, khả năng thụ thai và sức khỏe của tinh trùng cũng bị ảnh hưởng khi tuổi tác tăng dần. Giảm sức khỏe tình dục, nhiễm sắc thể bất thường và suy giảm sức khỏe sinh sản cũng là các nguy cơ có thể xảy ra ở nam giới lớn tuổi.
Phụ nữ dễ thụ thai nhất ở độ tuổi từ 20 – 24 tuổi. Tuổi tác càng lớn, khả năng thụ thai sẽ giảm dần. Đặc biệt ở tuổi 35 trở đi, khả năng thụ thai bắt đầu giảm mạnh. Vì thế, rất ít phụ nữ có thể thụ thai tự nhiên khi bước sang tuổi 45.
Có thể giải thích rằng khi bé gái sinh ra sẽ có khoảng 2 triệu nang noãn trong cơ thể (hay được gọi là trứng chưa trưởng thành). Khi bé gái lớn lên, số lượng nang noãn dần “rơi rụng” và đến độ tuổi dậy thì, chúng sụt giảm nhanh chóng. Khi chu kỳ kinh nguyệt xảy ra, để chuẩn bị cho sự rụng trứng, hàng trăm nang noãn đã được “huy động”. Tuy nhiên, chỉ có một số ít hoặc vài trứng chín và rụng. Trong khi số còn lại sẽ bị tiêu hủy bởi hormone sinh dục nữ.
Theo thời gian, số lượng nang noãn trong cơ thể nữ giới sẽ giảm dần dẫn đến mãn kinh (hết nang noãn). Không giống như nữ giới, nam giới có thể sản sinh tinh trùng liên tục.
Không chỉ ở khả năng thụ thai, càng lớn tuổi, nguy cơ gặp biến chứng trong thai kỳ (cao huyết áp, tiểu đường, sảy thai …) càng cao ở phụ nữ khi sinh con. Nguy cơ trẻ có thần kinh vận động chậm phát triển cũng tăng theo độ tuổi của người mẹ. Nguyên nhân do khả năng nhiễm sắc thể ở trứng dính nhau càng cao khi người mẹ càng lớn tuổi. Từ đó, dẫn đến các bệnh rối loạn nhiễm sắc thể ở trẻ như hội chứng Edwards (bệnh rối loạn di truyền), hội chứng Down (hội chứng rối loạn nhiễm sắc thể – dư thừa nhiễm sắc thể số 21 trong bộ gen).
Càng lớn tuổi, tỷ lệ phụ nữ sinh con mắc hội chứng Down càng cao
Theo nghiên cứu nhiễm sắc thể bất thường ở trẻ sơ sinh theo tuổi của mẹ thì người mẹ ở tuổi 25, tỷ lệ trẻ sinh ra bị hội chứng Down khoảng 0.08% và tỷ lệ sẽ lên đến 0.1% khi người mẹ ở tuổi 30. Ở độ tuổi từ 35 – 45 tuổi, người mẹ có thể sinh con bị hội chứng Down với tỷ lệ từ 0.26% – 3.33%. (1)
Có thể thấy, độ tuổi của người mẹ càng tăng, tỷ lệ trẻ sinh ra mắc hội chứng down cũng tăng theo. Tỷ lệ này tăng nhanh hơn khi phụ nữ bước sang tuổi 35.
2. Sinh con ở độ tuổi quá muộn, biến chứng thai kỳ nào có thể xảy ra?
Nguy cơ biến chứng thai kỳ càng cao khi phụ nữ sinh con càng muộn. Dưới đây là một số nguy cơ biến chứng thai kỳ hay các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra:
– Thai nhi bị dị tật: Ở độ tuổi càng cao, chất lượng trứng càng suy giảm, dẫn đến khả năng sảy thai cao hơn. Các rủi ro nguy hiểm khác cũng có thể xảy ra như thai nhi bị dị dạng, nhiễm sắc thể bị đột biến, …
– Bệnh đái tháo đường thai kỳ: Phụ nữ lớn tuổi khi mang thai thường bị bệnh đái tháo đường thai kỳ hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Bệnh này có thể gây tăng huyết áp cho thanh phụ, sinh non và các biến chứng nguy hiểm khác.
– Tăng huyết áp trong thai kỳ: Tăng huyết áp trong thai kỳ cũng có thể là vấn đề sức khỏe có thể gặp ở mẹ bầu lớn tuổi. Từ đó, dẫn đến nguy cơ sinh non, tiền sản giật, thai nhi kém phát triển và các biến chứng nguy hiểm khác.
– Nguy cơ sinh mổ: Nguy cơ sinh mổ cao hơn ở phụ nữ lớn tuổi mang thai. Trong khi, sinh đẻ tự nhiên được khuyến khích hơn, tốt cho sức khỏe của cả thai phụ và sự phát triển của thai nhi. Sinh mổ cũng làm tăng nguy cơ biến chứng sản khoa nguy hiểm như băng huyết sau khi sinh, tử cung không thể co hồi lại được sau khi sinh (hay còn gọi là đờ tử cung)
Phụ nữ sinh con ở độ tuổi quá muộn, biến chứng thai kỳ nào có thể xảy ra?
Có thể thấy, sinh con ở độ tuổi muộn có thể gây nhiều biến chứng thai kỳ, biến chứng sản khoa nguy hiểm và các vấn đề sức khỏe khác. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé, đặc biệt là sự phát triển của trẻ trong tương lai.
3. Phụ nữ nên sinh con ở độ tuổi nào là tốt nhất cho cả mẹ và bé?
Tùy theo từng độ tuổi, khả năng thụ thai và các yếu tố khác, bác sĩ sẽ tư vấn độ tuổi thích hợp để sinh con cho chị em phụ nữ, chẳng hạn như:
Phụ nữ sinh con khi dưới 20 tuổi
Quá trình mang thai và sinh nở có thể gặp khó khăn. Nguyên nhân do phụ nữ ở độ tuổi này có khung xương chậu hẹp. Bên cạnh đó, các yếu tố khác về tâm lý, tài chính và khả năng chăm sóc con cái có thể chưa sẵn sàng và ổn định.
a. Phụ nữ sinh con khi từ 20 – 24 tuổi
Khả năng thụ thai của phụ nữ ở độ tuổi này là tốt nhất. Tuy nhiên, khi xét đến các yếu tố tài chính ổn định, khả năng chăm sóc con cái thì có thể nhiều bạn vẫn chưa thật sự sẵn sàng để đảm nhận thiên chức làm mẹ.
Phụ nữ sinh con tốt ở độ tuổi từ 25 – 34 tuổi
b. Phụ nữ sinh con khi từ 25 – 34 tuổi
Phụ nữ ở độ tuổi này có khả năng thụ thai tốt nếu duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thể thao tốt và thói quen ăn uống khoa học. Ngoài ra, phụ nữ cũng có thể chăm sóc con cái sau sinh thuận lợi hơn do tâm lý và khả năng về tài chính ổn định hơn.
Tóm lại, phụ nữ từ 20 – 34 tuổi có thể được bác sĩ tư vấn nên mang thai và sinh con trong độ tuổi này. Lúc này, phụ nữ đã có đầy đủ thể chất, kiến thức, tinh thần, khả năng sinh sản, tài chính và sẵn sàng làm mẹ. Các yếu tố này có thể khác nhau ở mỗi người phụ nữ, tuy nhiên, theo các cuộc khảo sát thì mẫu số chung đều dao động ở độ tuổi từ 20 – 34 tuổi.
Ở một số phụ nữ lớn tuổi trên 35 tuổi mới có kế hoạch mang thai và sinh con. Nhưng ở độ tuổi này, chị em cần lưu ý chất lượng của trứng sẽ giảm và sức khỏe cũng có thể không còn tốt (nếu không có thói quen sống và ăn uống khoa học, tập luyện thường xuyên).
Do đó, để mang thai tốt hơn, phụ nữ sẽ tìm các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Đặc biệt, chị em cần thăm khám sản – phụ khoa, sàng lọc kỹ cùng bác sĩ nếu mong muốn mang thai ở độ tuổi này để chăm sóc sức khỏe cả mẹ và bé thật tốt.
Nhìn chung, chị em phụ nữ nên có kế hoạch mang thai và sinh con trong độ tuổi tốt, thăm khám trước khi mang thai và khám thai định kỳ cùng bác sĩ, an tâm chào đón thiên thần bé nhỏ ra đời khỏe mạnh và phát triển tốt.