Béo phì ở trẻ em là gì?
Béo phì ở trẻ em là tình trạng cơ thể dư thừa chất béo, không thể chuyển hóa hết thành năng lượng mà tích tụ trong cơ thể ở dạng mỡ thừa tại các bộ phận như bắp tay, đùi, bụng, mặt… hay toàn bộ cơ thể. Phần lớn các trường hợp trẻ bị béo phì đều có thể nhận thấy bằng mắt thường. Việc đánh giá mức độ béo phì ở trẻ được căn cứ vào chỉ số thể trọng của cơ thể BMI (Body Mass Index).
Vì sao trẻ em béo phì?
Béo phì ở trẻ có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình như:
- Yếu tố di truyền: Nguy cơ trẻ béo phì tăng cao khi được sinh ra trong gia đình có tiền sử béo phì.
- Thói quen dinh dưỡng: Thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ đóng gói sẵn hay thức uống có ga chứa nhiều chất béo và năng lượng là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ béo phì. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có thói quen cho trẻ ăn ngay cả khi trẻ không đói, ăn quá nhiều, vượt quá nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng của cơ thể.
- Lười vận động: Thay vì tham gia các hoạt động thể dục thể thao, trẻ dành nhiều thời gian để xem tivi, điện thoại, chơi điện tử. Điều này không chỉ khiến cơ thể không được giải phóng các năng lượng dư thừa, tăng tích tụ mỡ thừa mà còn gây nên nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
- Mắc một số bệnh lý nội tiết khác: suy giáp, cường tuyến thượng thận, cường giáp, cường insulin nguyên phát…
Tác hại của béo phì ở trẻ em
Trong những năm gần đây, tỷ lệ béo phì ở trẻ ngày càng tăng, nhất là ở những nước, những khu vực đang phát triển. Bệnh không chỉ khiến trẻ đánh mất cơ hội đạt được chiều cao tối ưu mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu béo phì hoặc gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng, bố mẹ nên đưa trẻ đến khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Một số tác hại của béo phì ở trẻ em gồm:
1. Suy giảm hệ miễn dịch
Béo phì khiến hệ miễn dịch của trẻ hoạt động kém linh hoạt hơn. Do đó, trẻ rất dễ bị ốm và mắc các bệnh truyền nhiễm.
2. Bệnh tiểu đường
Mặc dù béo phì không trực tiếp gây bệnh tiểu đường nhưng đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này ở trẻ. Béo phì làm suy giảm khả năng tổng hợp insulin của tuyến tụy, tăng nguy cơ dư thừa đường huyết, khiến trẻ bị béo phì.
3. Dậy thì sớm
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái. Khi trẻ ăn uống thừa chất, cơ thể tích tụ quá nhiều chất béo, từ đó, sản sinh ra leptin, kích hoạt quá trình dậy thì của trẻ, khiến trẻ dậy thì sớm. (1)
4. Bệnh xương khớp
Sự mất cân đối giữa chiều cao và cân nặng ở trẻ béo phì khiến hệ khung xương phải chịu áp lực lớn hơn. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp như đau nhức, thoái hóa, loãng xương…
5. Bệnh lý tim mạch
Khi trẻ béo phì, hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao khiến máu nhiễm mỡ. Mỡ bám lại vào các thành mạch khiến lòng mạch bị xơ hóa. Điều này khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
6. Bệnh hô hấp
Tình trạng mỡ dư thừa tích tụ tại các cơ quan hô hấp (phế quản, cơ hoành…) gây cản trở hoạt động của các cơ quan này. Do đó, trẻ bị béo phì thường sẽ cảm thấy khó thở hơn người bình thường, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, rối loạn nhịp thở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
7. Bệnh tiêu hóa
Trẻ bị béo phì rất dễ bị rối loạn tiêu hóa cũng như mắc các bệnh lý về tiêu hóa. Điều này xảy ra do mỡ thừa bám ở thành ruột, gây cản trở hoạt động của các cơ quan này. Ngoài ra, việc trẻ ăn quá nhiều thức ăn không lành mạnh cũng khiến hệ tiêu hóa hoạt động quá mức.
Đặc biệt, mỡ dư thừa có thể tích tụ trong gan khiến trẻ mắc các bệnh lý nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan…
8. Tác động đến tâm lý trẻ
Béo phì khiến trẻ tự ti về ngoại hình, từ đó, có xu hướng sống khép kín, ngại giao tiếp với mọi người, khó hòa nhập xã hội và xây dựng các mối quan hệ bạn bè. Hơn nữa, trẻ có thể trở thành đối tượng bị mọi người trêu chọc. Vì vậy, béo phì gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ.
Phòng ngừa béo phì trẻ em
Các tác hại của béo phì không chỉ dừng lại ở vấn đề sức khỏe mà còn là cản trở lớn cho các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Vì vậy, bố mẹ nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa béo phì cho trẻ:
- Kiểm soát chế độ ăn, đảm bảo tính khoa học, hợp lứa tuổi, đủ chất: Trẻ nên được cung cấp đủ 4 nhóm chất (chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất) với lượng vừa đủ. Rau xanh và trái cây sạch là những những thực phẩm lành mạnh được các chuyên gia khuyến khích bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ. Đặc biệt, tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm không lành mạnh, nhiều dầu mỡ, đường.
- Tránh cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử (tivi, máy tính bảng, máy tính, điện thoại).
- Tạo điều kiện, khuyến khích trẻ vận động thường xuyên: Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa béo phì mà còn giúp cơ thể phát triển một cách toàn diện nhất.
- Cân chỉnh thời gian giấc ngủ, vận động và học tập: Giấc ngủ có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển và tâm lý của trẻ, do đó, bố mẹ cần đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, ngủ sâu giấc.
- Tránh tạo áp lực cho trẻ: Áp lực về thành tích học tập khiến trẻ luôn trong trạng thái căng thẳng, từ đó, tăng nguy cơ béo phì. Hơn nữa, nhiều trẻ bị ảnh hưởng tâm lý từ vấn đề hạnh phúc gia đình, cách nuôi dạy con không phù hợp. Do đó, bố mẹ nên tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, tinh thần tích cực hơn.