1. Gan nhiễm mỡ là gì?
Ở cơ thể người khỏe mạnh không mắc gan nhiễm mỡ, cấu trúc của lá gan sẽ có khoảng 3 – 5% trọng lượng là mỡ. Do đó, nếu tỉ lệ của lượng mỡ tích tụ lại trong gan vượt quá mức 5% sẽ dẫn đến bệnh lý gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ độ nặng là giai đoạn cuối của bệnh lý này, tương đương với giai đoạn 3 của bệnh. Các cấp độ bệnh gan nhiễm mỡ được phân loại dựa vào tỉ lệ lượng mỡ dư thừa trong cấu trúc gan.
2. Nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ độ nặng là gì?
Hiện nay, gan nhiễm mỡ độ nặng do rất nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm nhiều yếu tố trong cuộc sống hằng ngày, thói quen sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống.
Bên cạnh đó, việc phát hiện bệnh chậm trễ, làm bệnh diễn tiến âm thầm đến giai đoạn cuối chính là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến gan nhiễm mỡ độ nặng. Một số nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ hay gặp:
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, sử dụng nhiều chất béo, dầu mỡ, đặc biệt là mỡ động vật.
- Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, ù lì, ít vận động thể lực.
- Sử dụng chất kích thích thường xuyên như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.
- Bất thường cân nặng như thừa cân, béo phì hoặc suy dinh dưỡng.
- Nhiễm các virus gây bệnh viêm gan.
- Biến chứng của bệnh lý khác như rối loạn chuyển hoá lipid máu, đái tháo đường…
- Di truyền hoặc rối loạn nội tiết.
3. Phân độ, dấu hiệu và điều trị gan nhiễm mỡ độ nặng
3.1 Gan nhiễm mỡ cấp độ 1
Gan nhiễm mỡ cấp độ 1 là khi lượng mỡ dư thừa tích tụ trong gan chiếm từ 5 – 10% trọng lượng gan, tương đương với gan nhiễm mỡ độ nhẹ. Đây được xem là giai đoạn đầu tiên, mới khởi phát của bệnh nên các dấu hiệu rất nghèo nàn, không đặc hiệu và đôi khi là không có triệu chứng nào cụ thể.
Do đó, gan nhiễm mỡ độ nhẹ rất khó để phát hiện qua lâm sàng và không kiểm tra thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng. Khi ở giai đoạn này, bệnh vẫn chưa ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng người bệnh cũng không được chủ quan. Việc khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên sẽ giúp phát hiện gan nhiễm mỡ độ 1, từ đó có những phương án điều trị cụ thể, mang lại tiên lượng tốt và có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Điều trị gan nhiễm mỡ độ 1 chủ yếu là thay đổi các thói quen sinh hoạt, tìm ra nguyên nhân gây bệnh để tránh diễn tiến đến độ nặng hơn. Phương pháp điều trị bao gồm thay đổi chế độ dinh dưỡng, không sử dụng rượu bia, tránh ăn nhiều dầu mỡ, chất béo (đặc biệt là mỡ động vật) và tăng cường vận động thể lực thường xuyên, đều đặn.
3.2 Gan nhiễm mỡ cấp độ 2
Gan nhiễm mỡ cấp độ 2 là khi lượng mỡ trong cấu trúc gan chiếm tỉ lệ từ 10 – 25% trọng lượng gan, tương đương gan nhiễm mỡ mức độ vừa. Ở giai đoạn này, mô mỡ đã xuất hiện trên bề mặt nhu mô gan và đôi khi thấy ở cơ hoành. Mặc dù bệnh ở giai đoạn này đã tiến triển nặng hơn độ 1 nhưng các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh vẫn chưa thể hiện rõ ràng ra bên ngoài, rất dễ chẩn đoán nhầm với những bệnh lý ở gan khác.
Các dấu hiệu không đặc hiệu của bệnh bao gồm rối loạn tiêu hóa (cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng, khó tiêu), mệt mỏi, uể oải, đôi khi cảm giác đau tức vùng hạ sườn phải, một số ít có dấu hiệu của tắc mật như da và kết mạc mắt chuyển sang màu vàng nhạt…
Do các triệu chứng không rõ ràng, không đặc hiệu nên cũng giống gan nhiễm mỡ độ 1, ở giai đoạn này rất khó phát hiện bệnh nếu không kiểm tra sức khỏe thường xuyên và thực hiện các xét nghiệm chức năng gan. Gan nhiễm mỡ độ 2 có thể diễn tiến nhanh, tiến triển xấu sang gan nhiễm mỡ độ nặng và các biến chứng bắt đầu xuất hiện.
Chưa có phương pháp điều trị triệt để gan nhiễm mỡ độ 2, việc điều trị chủ yếu là điều trị duy trì, tránh diễn tiến nặng hơn, nâng đỡ thể trạng bệnh nhân. Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên sử dụng nhiều thực phẩm chứa nhiều chất xơ, vitamin như các loại rau củ quả, thay thế mỡ động vật bằng các loại chất béo không bão hòa có trong quả bơ, hạt óc chó, hạt lanh… Tăng cường vận động thể dục thể thao và hạn chế tối đa việc uống quá nhiều rượu bia.
3.3 Gan nhiễm mỡ cấp độ 3
Gan nhiễm mỡ cấp độ 3 là khi tỉ lệ lượng mỡ dư thừa trong cấu trúc gan chiếm trên 30% trọng lượng gan, tương đương với gan nhiễm mỡ độ nặng. Đây chính là giai đoạn nguy hiểm nhất trong 3 giai đoạn của bệnh gan nhiễm mỡ, diễn tiến bệnh đã đi đến giai đoạn cuối và các biến chứng do suy chức năng gan sẽ xảy ra.
Gan nhiễm mỡ độ nặng có triệu chứng rõ ràng, điển hình hơn bao gồm: bệnh nhân sẽ cảm thấy đau tức vùng gan hạ sườn phải, gan phình to hơn, có thể sờ thấy từ ngoài da, ấn vào thấy đau, xuất hiện hội chứng tắc mật như vàng da và vàng mắt, rối loạn tiêu hóa thường xuyên như buồn nôn, khó tiêu, ăn uống kém và chán ăn. Gan nhiễm mỡ độ nặng nếu người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ tiến triển nhanh thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Ở giai đoạn này, việc điều trị gan nhiễm mỡ độ nặng để gan khỏe mạnh hoàn toàn là không thể. Các phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ độ nặng chủ yếu là nâng đỡ thể trạng, hỗ trợ các chức năng của gan và làm chậm diễn tiến đến xơ gan, ung thư gan.
Các phương pháp điều trị bao gồm: điều chỉnh chế độ dinh dưỡng một cách khoa học, luyện tập thể dục thể thao đều đặn thường xuyên, sử dụng các loại thuốc uống hỗ trợ chức năng gan theo chỉ định của bác sĩ giúp hạn chế được biến chứng, cải thiện chức năng gan và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Nên khám định kỳ 3-6 tháng hoặc khi có dấu hiệu như đau vùng gan, sụt cân, mệt mỏi, vàng da, sốt. Vinmec có hệ thống máy siêu âm, CT, MRI cao cấp cùng đội ngũ bác sỹ giàu chuyên môn, tư vấn kỹ càng và dịch vụ.